Tìm dấu vết của An Dương Vương trên đất Cổ Loa



An Dương Vương (chữ Hán: 安陽王), tên thật là Thục Phán (chữ Hán: 蜀泮), là một vị vua đã lập nên đất nước Âu Lạc và cũng là vị vua duy nhất cai trị nhà nước này. Âu Lạc là nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau nhà nước Văn Lang đầu tiên của các vua Hùng.



Niên đại trị vì của An Dương Vương được các tài liệu ghi khác nhau. Sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng thời gian ông làm vua kéo dài 50 năm, từ 257 TCN đến 208 TCN.
Các sử gia hiện đại căn cứ vào Sử ký Tư Mã Thiên là tài liệu gần thời đại nước Âu Lạc nhất, cho rằng An Dương Vương và nước Âu Lạc tồn tại từ khoảng 208 TCN đến 179 TCN, tức là gần 30 năm.
Có giả thuyết cho rằng gia đình Thục Phán là hậu duệ của các vua Khai Minh nước Thục thời Chiến Quốc, chạy về phía Nam để tránh bạo loạn vào cuối thời Chiến Quốc và khi nhà Tần nổi lên. Thục Phán đã đến vùng lãnh thổ của người Âu Việt (nay là phía Tây và Nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và đông bắc Việt Nam) gây dựng lực lượng quân sự tại đây.


Sách "Ngược dòng lịch sử" của GS Trần Quốc Vượng cho rằng sau khi nước Thục bị Tần diệt, con nhỏ vua Thục là Thục Chế được lập lên ngôi, lưu vong về phía đông nam. Tuy nhiên qua thế hệ Thục Chế vẫn phải lẩn trốn trước sự truy nã của Tần và không có cơ hội khôi phục nước Thục cũ. Cuối cùng tới con Thục Chế là Thục Phán thì hình thành quốc gia nằm ở phía bắc nước Văn Lang của họ Hồng Bàng.
Tuy nhiên, giả thuyết này bị nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ. Khoảng cách từ Tứ Xuyên tới miền Bắc Việt Nam là khoảng 3.000 km*, và khoảng thời gian từ khi nước Thục bị Tần diệt (316 TCN) đến khi An Dương Vương lên ngôi ở Việt Nam (257 TCN) là gần 60 năm. Trong thời gian ngắn như vậy, khó có chuyện dòng dõi vua Thục có thể di cư xa tới 3.000 km, vượt qua nhiều đồi núi hiểm trở để tới lập quốc ở miền Bắc Việt Nam.
Mỗi giả thuyết nêu trên đều có những chỗ đáng ngờ và chỗ đáng ngờ chung là: Cho tới đầu công nguyên thời Hai Bà Trưng, người Bách Việt vẫn chưa có họ. Do đó họ Thục của An Dương Vương là một vấn đề nghi vấn, không rõ đây có phải tên họ do đời sau gán cho An Dương Vương hay không. Bộ sử lâu đời nhất và gần thời An Dương Vương nhất là Sử ký Tư Mã Thiên chỉ nhắc tới nước Âu Lạc mà không nhắc tới An Dương Vương hay họ Thục.


Tựu trung, cả hai thuyết đều chưa được chứng minh bằng các di tích khảo cổ hoặc văn tự ghi chép lại. Song có thể khẳng định: An Dương Vương là lãnh đạo người Âu Việt đóng ở phía bắc nước Văn Lang. Sau một thời gian, ông đã lãnh đạo người Âu Việt tiêu diệt nước Văn Lang, thống nhất cả hai nhóm Âu Việt và Lạc Việt dưới 1 quốc gia, đây chính là tổ tiên của người Kinh ở Việt Nam ngày nay.
Mời các bạn tìm hiểu bài viết cùng chủ đề “Tìm dấu vết của An Dương Vương trên đất Cổ Loa” của tác giả Nguyễn Duy Chiếm tại đường link http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/22815

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tìm hiểu một số phong tục cổ truyền của người Việt qua tục ngữ

Pliocene-Quaternary evolution of the continental shelf of central Vietnam based on high resolution seismic data