Cài cắm xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa trong đấu thầu



          Trong số các yêu cầu gây khó khăn hoặc tạo điều kiện cho một hoặc một nhóm nhà thầu tham gia đấu thầu các dự án/gói thầu mua sắm hàng hóa thì việc đưa ra yêu cầu cụ thể về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa là khá phổ biến.
Nêu yêu cầu cụ thể về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa trong hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) đối với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế là hành vi bị cấm trong đấu thầu theo quy định tại Điểm i Khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013. Đối với hành vi này, theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì hình thức xử phạt là cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 6 tháng đến 1 năm. Và theo quy định tại Khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013, thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu là người có thẩm quyền đối với dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý.


Quy định đã khá rõ, song theo khảo sát của Báo Đấu thầu, vẫn có không ít bên mời thầu cố tình cài cắm các điều kiện trong HSYC nhằm gây khó khăn cho nhà thầu hoặc tạo điều kiện cho một hoặc một nhóm nhà thầu “ruột” của bên mời thầu.
Điển hình nhất là HSYC chào hàng cạnh tranh yêu cầu hàng hóa phải “nhập khẩu G7”, “xuất xứ EU”, hay phải có “nhãn hiệu châu Âu”. Trường hợp khác, HSYC nêu rõ các yêu cầu đối với hàng hóa nhà thầu cung cấp phải “nhập khẩu đồng bộ 100%”, “nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện”.
Thậm chí, có trường hợp HSYC còn nêu rõ: “Tất cả hàng hoá được coi là hợp lệ nếu có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp theo những yêu cầu: Thiết bị phải mới 100%, sản xuất từ năm 2016 trở đi; Xuất xứ nhập khẩu chính hãng”…
Những yêu cầu gây khó khăn cho nhà thầu, thậm chí tưởng chừng như nhằm chỉ định cho riêng một số nhà thầu nêu trên, thực tế đang diễn ra tại nhiều gói thầu cung cấp thiết bị như thang máy, máy phát điện… Mới đây nhất là trường hợp của gói thầu cung cấp, lắp đặt thang máy chở người thuộc dự án Trụ sở làm việc của một ngân hàng có chi nhánh tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều đáng nói tại gói thầu này là dù đã được báo chí phản ánh nghi vấn sai phạm, song chủ đầu tư vẫn cố tình bảo lưu quan điểm của mình và các gói thầu vẫn được tiến hành chấm thầu.
Một chuyên gia đấu thầu nhận xét, hiện tượng yêu cầu cụ thể về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa khi tổ chức đấu thầu thường gặp ở những chủ đầu tư, bên mời thầu có hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước. Tình trạng các HSMT, HSYC chào hàng cạnh tranh có các yêu cầu cụ thể về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa là biểu hiện rõ nét của cạnh tranh không minh bạch trong đấu thầu. Nếu tình trạng này kéo dài, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước sẽ bị bào mòn bởi lợi ích nhóm.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Tại chỉ thị này, Thủ tướng nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, cataloge của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa trong HSMT, HSYC khi có thể mô tả được chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa đó. Với chỉ đạo mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ, thời gian tới, nếu các bên mời thầu vẫn cố tình vi phạm các quy định về cạnh tranh trong đấu thầu có thể sẽ bị xử phạt nặng.    

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tìm hiểu một số phong tục cổ truyền của người Việt qua tục ngữ

Tìm dấu vết của An Dương Vương trên đất Cổ Loa

Pliocene-Quaternary evolution of the continental shelf of central Vietnam based on high resolution seismic data