Bàn về trí tuệ trong Đạo phật
Đức
Phật dạy rằng “Lấy trí tuệ là Sự nghiệp”, chúng ta cũng biết rằng, trí tuệ chân
chính chỉ được phát sinh trong quá trình vận dụng Chính kiến và chính tư duy của
mỗi con người.
Hiện
nay với sự phát triển vượt bậc của khoa học, cùng với tư tưởng tiến hoá của
nhân loại, những tư tưởng phi lý, lạc hậu, phản khoa học đều phải tự đào thải.
Thế mà Phật giáo vẫn tồn tại 25 thế kỷ cùng với năm tháng thời gian. Điều đó chứng
minh rằng Phật giáo đã có sức sống mãnh liệt, bắt nguồn từ một giá trị tinh thần
phong phú. Tinh thần ấy chính là sự thể hiện giáo pháp trong đời sống con người.
PHẬT
TÍNH
Trong
quan niệm Phật giáo, con người là chủ nhân của mọi hành vi của chính bản thân
mình ở cả 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai, là vị Thượng đế duy nhất toàn quyền
thưởng, phạt cho chính cuộc đời mình; ngoài mình ra, không bất cứ ai, hoặc thần
linh nào khác, có khả năng đưa mình lên thiên đàng, hay vứt mình xuống địa ngục.
Đức
Phật dạy:
“Chỉ
có ta làm điều tội lỗi,
Chỉ có ta làm ta ô nhiễm,
Chỉ có ta tránh điều tội lỗi,
Chỉ có ta gột rửa cho ta.
Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta,
Không ai có thể làm cho người khác trong sạch”
(Kinh Pháp cú câu 345)
Đức Phật đã tuyên bố: “Tất cả chúng sinh đều có khả năng
thành Phật”
Trong lịch sử tiến hoá của nhân loại, từ sơ khai cho đến
hôm nay, phát minh khoa học cùng những thành quả vinh quang của nó đã đưa nhân
loại đến thời kỳ vàng son của tối tân hiện đại, do từ khả năng khối óc của con
người.
Dù vậy, theo phân tích của Phật giáo, khả năng đó chỉ là
giới hạn của một phần của trí tuệ, hay nói một cách khác, con người của khoa học
chỉ mới vận dụng được cái trí sáng thế gian của mình, chưa phải là trí tuệ của
mỗi con người như Đức Phật đã chỉ rõ trong Giáo điều, thuật ngữ đó tạm gọi là
Trí tuệ Bát nhã và chính trí tuệ ấy mới là chìa khoá vàng duy nhất để mở cánh cửa
vô sinh của Niết Bàn tịnh tĩnh.
Tóm lại, đối với Phật giáo, con người vốn là một chúng
sinh ưu việt, có rất nhiều tiềm năng phi thường; nếu chúng ta khéo triển khai
thì không gì không thực hiện được trên cõi đời này. Như vậy chúng ta có thể nói
rằng, Phật giáo là Phật giáo của con người, xuất phát từ Đức Phật Thích Ca,
Ngài là đấng Giác ngộ, nhưng Ngài là một con người; Ngài đã cất tiếng nói và có
một đời sống rất người, vì con người mà khai thị chân lý, hướng dẫn con người đến
đời sống thật sự an vui.
Theo Phật giáo, mọi sai biệt trên thế giới này đều tuỳ
thuộc vào các nhân duyên mà sinh khởi; cũng vậy sự khác nhau về địa vị, hoàn cảnh
giàu sang hay nghèo khổ, ngu dốt hoặc thông minh... tất cả hoàn toàn do hành vi
tạo tác của mỗi con người, chứ không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo bất
kỳ một thông lệ hay một qui định nào.
Ví dụ: con người tàn phá rừng, gây ô nhiễm môi trường,
phá huỷ sinh thái... khiến cho trái đất nóng lên, gây ra hạn hán, lũ lụt, lở
núi, sóng thần, thủng tầng ôzôn... gây ra biết bao nhiêu tai hoạ trở lại cho
con người.
Trải qua hơn 2500 năm, Đạo Phật đã được thử thách với thời
gian và không gian; giá trị tác dụng của đạo Phật vẫn như xưa. Ngày nay trước
tiến bộ văn minh vật chất quá độ đã xô đẩy con người vào hố thẳm của tham vọng,
hận thù.
Chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt trên thế giới, nghèo
đói, bệnh tật, thiên tai vẫn đe doạ đời sống của nhân loại. Càng văn minh con
người càng có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi mới. Nạn cờ bạc say rượu, nghiện ngập,
nạn gây ô nhiễm môi trường, huỷ diệt sinh thái, áp lực kinh tế, xã hội đè nặng
lên trên tâm trí của con người, tạo nên ức chế về tâm lý. Băng hoại về đạo đức,
làm mất thăng bằng giữa đạo đức và hưởng thụ.
Đạo Phật với con đường thoát khổ thiết thực nhân bản, với
phương châm từ bi hỷ xả, xoá bỏ chấp thủ, hận thù, sẽ tiếp tục sứ mệnh hoá giải
khổ đau cho nhân loại.
Phật giáo quan niệm rằng, tất cả mọi chúng sinh từ con
người cho đến các loài côn trùng, đều tiềm ẩn một khả năng phi thường như nhau,
đó là khả năng thành Phật (có Phật tính). Nhưng do các đặc tính cố hữu mỗi
loài, việc triển khai khả năng ấy khó dễ, nhanh chậm khác nhau. Đức Phật dạy:
“Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Nhà vật lý học Albert Einstein cho rằng: “Tôn giáo của
tương lai sẽ là tôn giáo của toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần
học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên, lẫn siêu nhiên, đặt
trên căn bản ý thức đạo lý phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện
trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy”
THỰC HÀNH PHẬT TÍNH LÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
Đạo Phật là con đường do Đức Phật tuyên bố, truyền đạt;
con đường ấy đã được thực nghiệm, thực chứng. Vậy có thể nói rằng đạo Phật là
phương thức sống, lẽ sống, lối sống để có được hạnh phúc chân thực.
Đức Phật dạy: Người đạt được sự thanh tịnh, an lạc là người
khi có điều không vui, lo âu, sợ hãi thì không bị chúng chi phối, làm cho vướng
bặm không bị chi phối, vướng bận với cái tư duy tham dục, sân hận và ác ý. Đó
cũng là người đạt được một trạng thái tâm định như Sơ thiền cho đến tứ thiền,
theo lời Kinh Pháp cú dạy “Không có hạnh phúc nào lớn bằng sự yên tĩnh của tâm
trí”.
Đạt được Giải thoát- Niết bàn đây là mục đích tối hậu của
mọi người Phật tử, nó chấm dứt mọi đau khổ, thoát ly sinh tử luân hồi, thành tựu
trí tuệ viên mãn. Nỗi khổ thật sự lâu dài chính là vô minh; niềm hạnh phúc chân
thực là vĩnh cửu là sự chấm dứt vô minh, đó là đạo bỉ ngạn, là “Vô minh diệt
minh sinh”.
Kinh
Trung Bộ, Phật nói:
“Đừng
tìm về quá khứ
Đừng
tưởng tới tương lai
Quá
khứ đã không còn
Tương
lai thì chưa tới
Hãy
quán chiếu sự sống
Trong
giờ phút hiện tại”
Đức
Phật dạy: “Cuộc đời là vô thường, nên nó đem đến đau khổ (Vì chấp là thường).
Cái vô thường mà ta cho là của ta, là ta thì hoàn toàn không hợp lý”. Giải
thoát là vượt thoát mọi ràng buộc bám víu vào cuộc đời.
Phiền
não là ngọn lửa luôn luôn ủ ngầm và bốc cháy trong con người chúng ta bất cứ
lúc nào. Nó có công năng thiêu đốt mọi hạnh lành, mọi công đức mà chúng ta đã tạo
Tu tập là nhằm từng bước đoạn trừ phiền não. (Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến...)
Vậy
thì lấy gì để đoạn trừ phiền não? Đó là trí tuệ. Trí tuệ chất chứa lòng Từ, Bi,
Hỷ, Xả, Chính định và Chính kiến. Phật giáo chỉ sử dụng một lưỡi gươm là gươm
trí tuệ và chỉ công nhận một kẻ thù là vô minh. Đây là một minh chứng hiện thực
và sống động, chứ không phải là lời nói suông.
Đạo
Phật đặt sự hiểu biết bằng thực nghiệm lên trên hiểu qua sách vở và suy nghĩ.
Phật giáo xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc băng trí tuệ, chứ không phải
băng đọc tin. Đức tin đối với Phật giáo chỉ là phương tiện bước đầu, trong tiến
trình đi đến giác ngộ. Cốt tuỷ của đạo Phật là vậy.
Trong
kinh Di giáo, Đức Phật dạy: “Này các tỷ khiêu, nếu người có trí tuệ thì không
có tham trước, thường tự tỉnh giác, không để sinh ra tội lỗi. Thế là trong pháp
của ta có thể được sự giải thoát...
Người
có trí tuệ chân thật, ấy là chiếc thuyền chắc vượt qua biển già, bệnh, chết;
cũng là ngọn đèn chiếu sáng cảnh tối tăm mờ ám; là các món thuốc hay trị các thứ
bệnhl là lưỡi búa bén chặt đứt cây phiền não.
Thế
nên các ông phải dùng tuệ: Văn, Tư, Tu mà tự làm cho thêm phần lợi ích. Nếu người
có trí tuệ chiếu soi, dù cho nhục nhãn thì cũng là người thấy được rõ ràng”.
Giáo
lý Đức Phật thuyết giảng tuy bao la từ nhân sinh đến vũ trụ, nhưng tựu chung vẫn
xoay quanh vấn đề con người. Lấy con người làm đối tượng quán chiếu để thấy được
vũ trụ vạn hữu. Đó cũng chính là ý nghĩa cao cả mà Đức Phật nhắm đến khi muốn
giác ngộ chúng sinh.
Mục
đích của Đạo Phật là giải thoát và giác ngộ mà chỉ có trí tuệ mới là phương tiện
duy nhất đưa loài người đến bờ Giải thoát và Giác ngộ. Do vậy vai trò của người
có trí và vai trò của trí tuệ, chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của
Đức Phật. Chúng ta có thể nói Đạo Phật là đạo của người có trí, là đạo của tuệ
giác để tìm cho được định nghĩa thoả đáng cho Đạo Phật.
TRÍ
TUỆ VÀ TRI THỨC?
Trước
hết chúng ta nên phân biệt giữa người có tri thức như cách hiểu thông thường và
người có trí tuệ như Đạo Phật thường định nghĩa.
Người
có tri thức là người có thể có kiến thức uyên bác về một vấn đề, có thể phân
tích trình bày vấn đề ấy một cách khúc chiết và triệt để, nhưng là người chỉ có
biết chứ không có hành và đối với vấn đề ấy vẫn, người trí thức có thể bị chi
phối, không được tự tại.
Ví
như một người có thể hiểu biết rất nhiều về vấn đề rượu, hiểu rượu gồm có những
chất liệu gì, tác động của rượu đến với cơ thể như thế nào. Người ấy gọi là người
có tri thức về rượu, nhưng người ấy uống rượu vẫn bị say rượu, vẫn bị rượu chi
phối. Như vậy người ấy chưa có trí tuệ về rượu.
Trái
lại, người hiểu rõ được rượu là gì, biết rõ được sự nguy hại của rượu, lại có
khả năng không bị rượu chi phối, không uống rượu, không nghiện rượu, không say
rượu, vượt khỏi sự chi phối của rượu. Như vậy người ấy được xem là người có trí
tuệ về rượu.
Có
người hỏi, nếu có người không có tri thức về rượu, nhưng không uống rượu, người
ấy được xem là người có trí tuệ không? Lẽ dĩ nhiên là không. Người ấy vẫn hưởng
được những lợi ích do không uống rượu đưa đến, như không say rượu, không nghiện
rượu do cử chỉ không uống rượu của mình. Nhưng rất có thể trong một trường hợp
đặc biệt nào đó, vì thiếu khả năng đối trị với sự cám dỗ của rượu, người ấy bắt
đầu uống rượu đi đến say rượu và nghiện rượu.
THẾ
NÀO LÀ NGƯỜI CÓ TRÍ TUỆ
Với
sự phân biệt này, chúng ta mới hiểu định nghĩa người có trí như đã được Đức Phật
định nghĩa rất rộng rãi trong những lời dạy của ngài. Sự phân biệt này giúp
chúng ta nhận định 2 hạng người trong những Phật tử: Một hạng người rất uyên
bác trong Đạo Phật, hiểu biết về kinh điển rất nhiều, nhưng vẫn không được là
người có trí tuệ.
Hạng
người này có rất nhiều trong các học giả thuần tuý nghiên cứu Đạo Phật, uyên
thâm trong 3 tạng giáo điển, cả 3 tạng nguyên thuỷ lẫn 3 tạng phát triển, nhưng
chỉ có nghiên cứu chứ không có hành trì, chỉ nói hành thiền giỏi nhưng không
hành thiền, trình bày hay về diệu dụng của trí tuệ, nhưng không phát triển trí
tuệ. Như vậy cũng chưa được gọi là có trí tuệ.
Ví
dụ, khi đức Phật còn tại thế, Ngài Anan thường hầu cận Thế Tôn, thầy ấy rất
thông minh, gìn giữ kho tàng chánh pháp đầy đủ, nhưng vẫn còn ở địa vị hữu học
(Cần Phải học), còn bị tham ái sân hận, si mê và sợ hãi chi phối. Do đó khi Phật
nhập Niết bàn, Ngài Ca Diếp là Tổ thứ nhất cùng các đại tỳ kheo thống nhất sẽ kết
tập kinh tạng, đã tìm đủ 499 vị La Hán, còn thiếu 1 vị thì đủ 500 vị.
Các
tỷ khiêu đều tán đồng mời Thầy Anan, nhưng Tôn giả Ca diếp bảo: “Anan còn ở địa
vị cần phải học (Hữu học), còn bị tham ái, sân, hận, si mê, sợ hãi chi phối,
không nên cho tham dự”. Một tỳ kheo người xứ Bạt Kỳ ngồi thiền quán chiếu thấy
Anan còn ở bậc hữu học liền đến và đọc lên bài kệ:
“Ngồi
dưới chỗ cây vắng
Tâm
hướng đến Niết bàn
Thiền
định chớ phóng dạt
Nói
nhiều có ích chi?”
Anan
nghe kệ, biết việc Ca Diếp không cho mình tham dự kết tập kinh tạng nên cả đêm
đều siêng năng đi kinh hành, mong cầu được giải thoát, nhưng vẫn chưa đạt được.
Đến
lúc nửa đêm, thân hình mỏi mệt cực độ, Thầy định nằm nghỉ một chút, liền
nghiêng đầu xuống gối, khi đầu vừa chấm gối thì bỗng dưng hết lậu hoặc. Các tỷ
khiêu biết thế liền thưa với Ca Diếp: Đêm qua Anan đã được giải thoát nên cho
thầy vào số người kết tập kinh tạng. Ca Diếp liền chấp thuận đề nghị.
Bấy
giờ 500 vị La hán đến thành Vương Xá mở hội nghị kết tập kinh tạng và cử Tôn giả
A Nan kết tập kinh tạng, Tôn giả ưu Ba Ly kết tập luật tạng. Từ đó mới có các bộ
Đại Tạng kinh lưu truyền đến nay.
Một
hạng người khác, có lòng tín thành, hành trì theo những giới cấm trong Đạo Phật,
nhưng chỉ có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, nên cũng không thể xem
là người có trí tuệ được vì người ấy vẫn có khả năng bị tham, sân, si chi phối
và do vậy chưa được xem là người có trí tuệ.
Người
có trí được Đức Phật diễn tả như một thứ lương tri, giúp chúng ta phân biệt
chính tà, thiện ác, tịnh uế, lạc khổ, thắng liệt. Điều quan trọng trí tuệ ở đây
không còn là một đặc tính hy hữu, có một không hai, mà trở thành như một thứ
lương tri luôn luôn có mặt trong chúng ta, tác động như một ngọn đèn soi sáng
chúng ta biết phân biệt chọn lựa giữa thiện và ác, giữa chính với tà, khiến
chúng ta có thể nhận biết những gì nên làm, những gì không nên làm, để chúng ta
có thể tự hướng dẫn mình tiến đến an lạc và giải thoát.
Diệu
dụng này được Đức Phật khéo léo diễn tả đặc tính, những thái độ, những việc làm
của 2 hạng người, được gọi là kẻ ngu và người trí. Một phân biệt tế nhị nữa là
người có trí ưa thích im lặng như biển lớn không sóng gió, như cái gì đầy tràn,
như ao đầy nước, còn kẻ ngu thì ồn ào như khe núi, như cái gì trống rỗng.
Trong
kinh Pháp cú Phật dạy:
“Người
ngu si thiếu trí
Chuyên
đời sống phóng dật
Người
trí không phóng dật
Như
giữ tài sản quí” (Pháp cú 26)
“Người
trí dẹp buông lung.
Với
hạnh không phóng dật
Leo
lầu cao trí tuệ
Bậc
trí không âu lo
Nhìn
chúng sinh sầu muộn
Chẳng
khác đứng núi cao
Nhìn
kẻ ngu đất bằng!” (Pháp cú 28)
Đối
với đời, người ngu kẻ trí có thái độ sai khác:
“Hãy
đến nhìn đời này
Như
xe vua lộng lẫy
Người
ngu mới tham đắm
Bật
trí nào đắm say” (Pháp cú 7)
Nhiều
sự sai biệt giữa người trí, kẻ ngu chỉ bằng gang tấc, tiến tới thành ngu, dừng
lại là trí:
“Người
ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ
vậy thành có trí
Người
ngu tưởng có trí
Thật
xứng gọi trí ngu” (Pháp cú 64)
Tăng
chi 1 (trang 113) nêu rõ sự sai khác một trời một vực giữa người ngu và người
trí: “Thành tựu ba pháp, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm ác,
miệng nói ác, ý nghĩ ác. Thành tựu ba pháp, người trí được biết đến. Thế nào là
ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện”.
Đức
Phật nói thêm: “Phàm có sợ hãi nào khởi lên, này các tỷ khiêu, tất cả sự sợ hãi
ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm
nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ
người hiền trí. Phàm những tai hoạ nào khởi lên, tất cả những tai hoạ ấy khởi
lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí...
Như
vậy người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi. Người ngu có nguy hiểm, người
trí không có nguy hiểm, người ngu có tai hoạ, người trí không có tai hoạ. Này
các tỷ khiêu, không có sợ hãi đến với người trí. Không có nguy hiểm đến với người
trí, không có tai hoạ đến với người trí”.
Thật
là một sự xác chứng quá rõ rệt về sự sai biệt giữa người ngu và người hiền trí,
dưới cái nhìn của Đức Phật. Người ngu khi gặp khổ thọ về thân thường sầu muộn,
than van, khóc lóc, đập ngực đi đến bất tỉnh...
Còn
bậc trí đối với khổ thọ về thân thời không sầu muộn, không than van, không khóc
lóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh... Đức Phật dạy vị ấy được gọi là:
“Bậc thánh đệ tử nghe nhiều đã đứng trên bờ vực thẳm, đã đạt tới chỗ chân đứng
an toàn” (Tương ưng IV, tr. 212).
Đức
Phật dạy: “Này các tỷ khiêu, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân này
của người ngu được sinh khởi. Vô minh ấy người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy
người ngu không tận trừ. Vì cớ sao? Này các tỷ khiêu, người ngu sống phạm hạnh
không phải vì chân chính đoạn tận khổ đau. Do vậy, người ngu khi thân hoại mạng
chung đi đến thân khác. Do đi đến một thân khác, vị ấy không thoát khỏi sinh,
già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng vị ấy không thoát khổ đau
(Tương ưng II tr 28).
“Này
các tỷ khiêu bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân người hiền trí được
sinh khởi. Vô minh ấy người hiền trí đoạn tận, tham ái ấy người hiền trí tận trừ.
Vì cớ sao? Này các tỷ khiêu, người hiền trí sống phạm hạnh vì chân chính đoạn
trừ khổ đau. Do vậy người hiền trí khi thân hoại mạng chung, không đi đến một
thân khác, do không đi đến một thân khác, vị ấy giải thoát khỏi thân già bệnh
chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng vị ấy thoát khỏi khổ đau (Tương ưng II,
tr. 29).
Lợi
ích của tuệ là giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ nhân sinh và vũ trụ đúng như thật
với bản chất của chúng; đó là thấy được duyên sinh tính, vô thường tính, và vô
ngã tính, qua các giáo lý của Đức Phật.
Do
thấy được như vậy nên chúng ta tự tin nơi mình chuyển mê khai ngộ. Trí tuệ mở cửa
đi đến tự do (tự tại), xa lìa khổ đau do chấp thủ, không thấy có ta và tự ngã của
ta. Từ đó mà thể nhập chân lý, đó là chân như, là tuệ giác của tự tâm, của bản
lai diện mục, là Phật tính hằng chuyển.
Giới
- Định - Tuệ là 3 môn học căn bản nhất trong hệ thống giáo dục Phật giáo, bởi
vì toàn bộ giáo lý Phật giáo không nằm ngoài phạm vi giới định tuệ do vậy học
Phật là học Giới - Định -Tuệ, tu phật là tu Giới Định Tuệ.
Title: | Bàn về trí tuệ trong Đạo phật |
Authors: | Lưu, Thị Quyết Thắng |
Keywords: | Đạo phật trí tuệ |
Issue Date: | 2008 |
Publisher: | Tạp chí nghiên cứu Phật học |
Description: | tr. 17-20 |
URI: | http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/19126 |
Appears in Collections: | Nghiên cứu Phật học và Phật hoàng Trần Nhân Tông (LIC) |
Nhận xét
Đăng nhận xét