Vị thế của nữ trí thức trong gia đình



Cũng như những người phụ nữ khác, vị thế của nữ trí thức trong gia đình được hiểu là vị trí của họ trong gia đình, được xác định bởi quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ, và được thể hiện trên thực tế ở việc ra quyết định về các vấn đề liên quan đến kinh tế gia đình; chi tiêu trong gia đình; việc học hành của con cái. Trong cách nhìn nhận về trách nhiệm, nghĩa vụ của vợ và chồng đối với việc thực hiện công việc nhà, nhìn chung, có hai loại quan điểm khác nhau. Một loại cho rằng, vợ có trách nhiệm và nghĩa vụ nhiều hơn chồng, các công việc nội trợ hoàn toàn là việc của người vợ(!). Loại quan điểm khác cho rằng, vợ và chồng có trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau đối với những công việc đó, “ai tiện thì làm”.


Tuy nhiên, trên thực tế, người “tiện” hơn vẫn là phụ nữ. Kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương thực hiện đối với các đối tượng là trí thức cho thấy, khoảng 1/3 số người được hỏi trả lời rằng, cả hai vợ chồng cùng làm các công việc nhà. Đối với các công việc nội trợ (đi chợ, chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ) trong các gia đình trí thức, trên một nửa số người được hỏi khẳng định rằng, các công việc này trong gia đình là do người vợ quyết định và trực tiếp thực hiện. Trong những gia đình mà người chồng quyết định việc đi chợ, thì có đến 84,1% các bà vợ phải thực hiện công việc này, trong khi số người chồng thực hiện chỉ là 2,5%. Còn số trí thức nói rằng, trong gia đình họ, chồng là người thực hiện các công việc này, chiếm tỷ lệ rất thấp (3% – 5%).
Có thể thấy, mặc dù đã có sự chia sẻ việc quyết định và thực hiện các công việc nội trợ, nhưng những việc này, chủ yếu, vẫn do người vợ đảm nhiệm. Điều đó có nghĩa, những công việc nội trợ – những việc mang tính thường xuyên và chiếm nhiều thời gian nghỉ ngơi, vẫn là một gánh nặng của phụ nữ.
Người ta vẫn nói, sau thành công của một người đàn ông có hình bóng của người phụ nữ. Bởi khi bên cạnh người đàn ông có người phụ nữ thấu hiểu, là hậu phương vững chắc thì họ sẽ yên tâm hơn để làm việc, phấn đấu trong sự nghiệp của mình.
Đó là quan điểm dành cho người phụ nữ ngày xưa, bởi theo tôi ngày nay quan điểm trong cuộc sống đã khác trước rất nhiều. Người phụ nữ ngày nay không còn bị giới hạn trong khuôn khổ chỉ ở nhà chăm lo cho con cái, làm việc nội trợ. Người phụ nữ ngày nay cũng đi làm, đóng góp cống hiến cho gia đình xã hội như đàn ông.
Phụ nữ xinh đẹp, ngoan ngoãn an phận chưa đủ. Đàn bà ngày nay phải biết khẳng định, thể hiện bản thân. Phải sống khôn ngoan để đàn ông hiểu được rằng phụ nữ không chỉ đẹp, không chỉ yếu ớt mà họ cũng có cá tính của riêng mình.
Phụ nữ nên nhớ rằng, có nhan sắc là chưa đủ. Đẹp chỉ là một yếu tố giúp bạn chạy nhanh hơn. Nhưng khôn ngoan giống như đôi cánh giúp bạn bay xa hơn, nhanh hơn. Vì thế, nếu là đàn bà khôn ngoan hãy biết tận dụng khả năng cũng như những thế mạnh của mình để trở thành người đàn bà độc lập, biết tự chủ.


Xã hội càng phát triển, vai trò người đàn ông cũng càng được đề cao hơn. Họ không chỉ phải lo công việc trong gia đình mà còn luôn luôn muốn khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Bởi thế áp lực không nhỏ. Không ít người đàn ông chia sẻ, họ bị chính tư tưởng là thuyền trưởng, là trụ cột trong gia đình đè nặng. Đôi khi họ cảm thấy vô cùng áp lực.
Vì thế, họ cần có một người phụ nữ thấu hiểu ở bên cạnh. Người phụ nữ ấy không chỉ là hậu phương, là người đứng sau ủng hộ cho người đàn ông của mình mà là đi cạnh, sánh bước cận kề.
Và phụ nữ nên nhớ, trong bối cảnh hiện nay, đàn bà đoan trang nhu mì chỉ chăm chăm ở nhà là đàn bà dại. Bởi trong khi bạn chỉ lo nữ công gia chánh, lo công việc gia đình bếp núc thì chồng bạn đang quay cuồng với “sứ mệnh cao cả” của bản thân. Khi bạn mù tịt về kiến thức thì có người phụ nữ khác đang là chỗ dựa, đang chia sẻ cho chồng bạn.
Đàn bà khôn ngoan hãy biết vị trí của mình là bên cạnh chứ không phải sau lưng đàn ông. Hãy để người đàn ông cảm nhận được sự quan tâm cũng như hơi ấm của người phụ nữ đi cạnh mình. Hãy để họ hiểu rằng, họ không đơn độc trong cuộc chiến sinh tồn này.
Mời các bạn quan tâm tham khảo bài viết cùng chủ đề  “An phận - một nét tâm lý cản trở sự tiến bộ của nữ trí thức” của tác giả Trần Thị Minh Đức tại đường link http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/25732


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tìm hiểu một số phong tục cổ truyền của người Việt qua tục ngữ

Tìm dấu vết của An Dương Vương trên đất Cổ Loa

Địa chất sườn lục địa