Gương hiếu hạnh của Chử Đồng Tử
http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/53820
Chử Đồng Tử (chữ Hán: 褚童子)
là tên của một vị thánh nổi tiếng, một trong "Tứ bất tử" trong tín ngưỡng Việt Nam.Truyền thuyết về Tiên Dung-Chử Đồng Tử là một trong những
huyền sử được ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái kể về thời kì cổ xưa của nước
Việt
Nam.
Theo
“Lĩnh Nam Chính Quái” của Vũ Quỳnh – Kiều Phú: Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử
Vi Vân tại Chử Xá huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Văn Đức, huyện Gia
Lâm). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố
che thân phải thay nhau mà mặc. Lúc già ốm, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ
chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình
thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày
dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.
Thời
ấy vua Hùng Vương thứ XVIII cô người con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê
mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của
công chúa đến thăm vùng đó. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng,
người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền
ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu
đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới
cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, nghĩ ngợi rồi xin được cùng nên
duyên vợ chồng.
Chử Đồng Tử là người con rất có hiếu đối với cha. Điều này
thể hiện qua chi tiết chàng đã “đóng khố cho cha rồi mới chôn” dù cả hai cha
con chỉ có chung một chiếc khố dùng thay nhau và trước đó, cha chàng đã dặn “cứ
giữ lấy mà dùng”. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, Chử Đồng Tử đã không nỡ để cha
mình trần về nơi chin suối. Việc Chử Đồng Tử không nghe lời cha, nếu xét theo
quan niệm chữ Hiếu của Nho giáo bảo thủ không những không được coi là hiếu
thuận mà ngược lại, còn bị cho là bất hiếu.
Thế nhưng, sự thực là không ai không xúc động trước tấm lòng
hiếu thảo sâu nặng của chàng, cũng không ai chê trách mà tất cả đều đồng lòng
ngợi ca hành động hiếu nghĩa đó. Trong trường hợp này, dân tộc ta đã có quan
niệm rất thực tế về chữ Hiếu. Chử Đồng Tử, dù không nghe lời cha (là biểu hiện
của sự bất hiếu) nhưng việc chàng làm lại toả sáng một tấm lòng rất mực hiếu
thảo.
Chử Đồng Tử đã được dân gian ban tặng “phần thưởng” là một
cô Công chúa xinh đẹp để làm vợ. Quả thật đây là phần thưởng vô cùng cao quý mà
không bạc vàng nào sánh được (Vì không thể dùng của cải vật chất làm thước đo
lòng hiếu thảo con người ). Chi tiết này thể hiện cách nghĩ hết sức thâm thuý
thấm đẩm tính chất nhân văn và có thể coi là sự bổ sung cho quan niệm về chữ
Hiếu trong dân gian của dân tộc ta.
Công chúa Tiên Dung, nếu xét theo tiêu chí và quan
niệm về chữ Hiếu của Nho giáo bảo thủ, cố chấp được coi là một người con “bất
hiếu” bởi không nghe lời cha, “không chịu lấy chồng” và tự ý định đoạt hôn nhân
cho mình – hành động “mặc áo qua đầu” vốn bị coi là cấm kỵ trong xã hội phong
kiến về mối quan hệ giữa con cái đối với cha mẹ. Và Chử Đồng Tử, một chàng trai
hiếu thảo, trớ trêu thay, lại được dân gian dành cho phần thưởng là một cô con
gái “bất hiếu”! Thoạt nhìn, tưởng như dân gian ta có ý “chơi khăm” nhân vật của
mình nhưng kỳ thực thì không phải vậy.
Trong nhận thức của nhân dân ta, Tiên Dung chưa bao giờ bị
coi là bất hiếu bởi việc nàng làm chẳng những không phương hại đến ai mà còn
hướng đến lẽ đời cao đẹp với hôn nhân tự do và sự phân định đẳng cấp xã hội bị
xoá nhoà. Cái sâu sắc của dân gian ta ở đây là tạo ra cái nghịch lý bên ngoài
để làm sáng lên cái có lý bên trong. Chử Đồng Tử xứng đáng được ban thưởng và
Tiên Dung cũng xứng đáng với tư cách “phần thưởng” của mình.
Truyện “Chử Đồng Tử” kết thúc với việc Chử Đồng Tử và Tiên
Dung bay về trời cũng là dụng ý của dân gian, nhằm tránh sự xung đột trong quan
hệ vua-tôi, cha-con giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung với vua cha, khi mà nhà vua
cử binh tiến đánh để Trung và Hiếu được vẹn toàn. Truyện cổ tích, nhất là cổ
tích thần kỳ của nhân dân ta phản ánh thời kỳ “ngây thơ” trong lịch sử xã hội
loài người nhưng những gì được thể hiện trong “Chử Đồng Tử ” lại cho thấy quan
niệm và cách xử lý tình huống không hề ngây thơ.
Quan niệm về chữ Hiếu qua câu chuyện về chàng trai họ
Chử có màu sắc phong phú và giá trị thực tiễn phù hợp với đời sống tâm lý xã
hội cộng đồng, dù vẫn giữ cái hạt nhân cốt lõi của quan niệm về chữ Hiếu. Việc
tiếp thu và vận dụng văn hoá, tư tưởng nước ngoài bằng trí tuệ, tâm hồn và đạo
lý dân tộc của người Việt qua truyện “Chử Đồng Tử” nói riêng, trong quá trình
xây dựng và phát triển bản sắc văn hoá, tư tưởng dân tộc nói chung luôn là điều
khiến ta phải suy ngẫm và thán phục.
Thực sự về mặt lịch sử thì Chử Đồng Tử là một trong những đệ
tử đầu tiên của Phật giáo ở nước ta. Truyền thuyết cũng khẳng định đạo Phật
đã du nhập vào nước ta từ thời kỳ Hùng vương khoảng 200-300 năm trước
công nguyên.
Truyền thuyết cũng cho thấy ban đầu cũng có xung đột chính
trị giữa tín ngưỡng đạo Phật và tín ngưỡng cổ Văn Lang, giữa Phật giáo và giới
cầm quyền của các vua Hùng. Thế nhưng, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc,
không phân biệt màu da, chủng tộc, giai cấp, chính kiến do đó Phật giáo đã hòa vào
dân tộc như nước với sữa như tim với óc của một cơ thể con người.
Nhận xét
Đăng nhận xét